Giới thiệu
Âm thanh là một hiện tượng tự nhiên thể hiện sự đa dạng của môi trường sống, một sự truyền tải thông tin cho mọi thực thể trong cuộc sống thông qua sự hấp thụ âm thanh của tai con người. Âm thanh trong môi trường rất đa dạng, được bắt nguồn từ mọi hoạt động có phát sinh ra nguồn âm. Đặc biệt, trong môi trường đô thị, nguồn âm phát ra từ tiếng nói con người, từ các hoạt động trong đô thị và từ các phương tiện giao thông. Đối với giao thông đô thị, do tốc độ phương tiện giao thông cơ giới thấp nên nguồn ồn phát sinh ra từ ma sát giữa lốp xe với mặt đường và tiếng ồn từ động cơ nhỏ nên ảnh hưởng không lớn đối với môi trường đô thị. Tuy nhiên, ở Việt Nam và nhất là trong khu vực đô thị thì nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn lớn nhất lại là tiếng còi xe ô tô, còi xe máy và tiếng nổ của xe máy phân khối lớn. Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi muốn giới thiệu về môi trường âm thanh trong Khu phố cổ (KPC) Hà Nội. Đây là nơi có hình thái và không gian đô thị đặc trưng, mật độ dân số rất cao, có hoạt động sản xuất thủ công truyền thống và mức âm điển hình đa dạng trong đô thị, từ đó làm dẫn chứng cho hiểu biết và nhìn nhận về âm thanh trong đô thị nói riêng và âm thanh trong môi trường nói chung. Bên cạnh đó, bài báo cũng giới thiệu một số giải pháp sử dụng tường chắn âm thanh tại các nước trên thế giới, làm bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc giảm thiểu tiếng ồn từ các hoạt động giao thông.
Khái quát về môi trường âm thanh đô thị
Cảnh quan âm thanh (soundscape) là một khái niệm được đề xướng bởi R.M. Schafer [1], một nhạc sĩ Canada, nhằm miêu tả môi trường âm thanh (sound environnement) bằng sự tổng hợp của toàn bộ những nguồn âm trong môi trường. Nguồn âm này là đa số là những nguồn âm không có lợi cho môi trường sống: Ma sát trên đường, còi xe, động cơ xe máy, xe lửa… Chúng ta hoàn toàn có thể tiếp cận môi trường âm thanh đô thị qua các yếu tố đô thị như trong tác phẩm “L’image de la cité” của Kevin Lynch [2].
Ba yếu tố cơ bản có liên hệ mật thiết với nhau là:
- Những nguồn âm;
- Không gian đô thị;
- Cư dân đô thị;
Các yếu tố này được giới thiệu qua sơ đồ sau:
Ba yếu tố này phù hợp với những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, chúng giải thích rõ sự phức tạp của những hiện tượng tổng hợp. Để đưa ra một sự miêu tả chính xác hơn về môi trường âm thanh đô thị, chúng ta có thể kết hợp mỗi yếu tố trên với một hiện tượng mà chúng tạo thành một mối liên hệ hữu cơ dưới đây:
Trong sơ đồ này, hiển nhiên là vai trò quan trọng của kênh âm học trong nghiên cứu không gian đô thị. Trong thực tế, những yếu tố trên là những đặc tính chủ yếu để xác định cái mà môi trường âm thanh sẽ được thu nhận.
Hiện tượng truyền âm tự do không có vật chắn trong đô thị [3]
Sự truyền âm trong không khí thể hiện qua những đặc điểm của sự quan hệ một cách tự nhiên giữa nguồn âm với môi trường không khí, cũng như là các vật chắn trên đường lan truyền của sóng âm. Trong khuôn khổ nghiên cứu của bài báo, chúng tôi chỉ giới thiệu sự truyền âm tự do trong đô thị với điều kiện không có vật chắn trước nguồn âm.
Thực tế trong đô thị, chúng ta thấy trường âm phụ thuộc nhiều vào hình thái của phố. Mức âm giảm dần theo khoảng cách tại những phố có không gian mở (xảy ra đối với phố có một mặt trống hay có nhiều không gian trống). Ngược lại, sóng âm phản xạ xảy ra đối với những phố có không gian đóng (khu vực có mật độ xây dựng cao, có hai mặt phố hay chiều rộng phố nhỏ hay như trong hầm chui giao thông trong phố).
Những nguồn âm trong KPC Hà Nội
Thành phố Hà Nội có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa rất nhanh, nhất là những năm đầu thế kỷ 21. Sự cân bằng của thành phố đã bị phá vỡ giữa bảo tồn và phát triển, giữa các tác động môi trường với chất lượng sống, giữa các môi trường không gian thực tế với tiện nghi mong muốn. Các tác động này đã ảnh hưởng tới chất lượng sống. Sự phát triển kinh tế chóng mặt đã kéo theo sự phát triển ồ ạt về du lịch, xã hội, đô thị… Việc kiểm soát các môi trường không gian đô thị không thể theo kịp với tốc độ phát triển đô thị. Hơn nữa, sự tự do về kinh tế đã làm phát sinh nhiều hình thức kinh doanh tự phát ở khắp nơi trong TP Hà Nội, nhất là trong KPC. Các hoạt động đô thị diễn ra ở mọi nơi, làm gia tăng một cách đáng kể mức ồn từ sáng đến tối.
Với nhận định vấn đề như trên, mục tiêu của nghiên cứu này là tìm giải pháp giảm thiểu tối đa ô nhiễm do tiếng ồn gây ra, hướng tới chất lượng tổng thể của môi trường âm thanh trong mối tương quan với hình thái học đô thị. Chính vì vậy, chúng tôi muốn đề cập tới môi trường âm thanh thường ngày khởi phát từ những hoạt động đô thị chính yếu đang diễn ra tại phố cổ Hà Nội, gồm:
- Hoạt động giao thông;
- Hoạt động thương mại;
- Hoạt động sản xuất.
(1). Hoạt động giao thông
Do phát triển mạnh về kinh tế, thương mại và xã hội của Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng nên nhu cầu về sử dụng phương tiện giao thông công cộng và phương tiện giao thông cá nhân cũng đã gia tăng. Có nhiều loại phương tiện cơ giới tham gia giao thông trong đô thị như: Xe máy, xe mô-tô, xe ô tô con, xe buýt, xe tải, đường sắt đô thị… Tất cả các phương tiện này đều tham gia trên các tuyến phố, vì vậy tạo nên mật độ giao thông dày đặc, lộn xộn, không phân tách được các luồng phương tiện giao thông. Đặc biệt, trong các giờ cao điểm buổi sáng hay buổi chiều, hệ thống hạ tầng đô thị không thể tiếp ứng một mật độ giao thông dày đặc như vậy tại các cửa ngõ thành phố và ngay cả trong KPC. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông sử dụng còi xe liên tục làm công cụ để lưu thông nhanh trong TP và việc lạm dụng còi xe đã tạo nên môi trường âm thanh ầm ĩ mọi lúc, mọi nơi, từ các tuyến phố vành đai cho tới lõi trung tâm đô thị.
Hoạt động giao thông tại nội đô Hà Nội nói chung và tại KPC nói riêng diễn ra ở khắp nơi, mọi lúc. Các trục giao thông chính như Hàng Ngang – Hàng Đào hay Hàng Cân – Lương Văn Can luôn có mật độ giao thông cao (trừ những ngày cuối tuần), kể cả trên hệ thống đường bao quanh KPC quanh như Trần Nhật Duật – Trần Quang Khải.
Bên cạnh giao thông đường bộ, ta còn thấy tuyến đường sắt vẫn hoạt động, chạy qua trung tâm TP, xuyên qua phố cổ và bây giờ vẫn là tuyến giao thông quan trọng hướng tuyến đi Hải Phòng. Đây là nguồn gây tiếng ồn rất lớn đối với môi trường đô thị.
(2). Hoạt động thương mại
Hoạt động buôn bán tiểu thương là hình thức giao thương chính trong KPC. Nó diễn ra tại chỗ, trong nhà, trên vỉa hè và thậm chí ngay trong phố. Phố cổ đã trở thành một trung tâm thương mại cổ truyền lớn. Điều này kéo theo nhiều người trong phố, làm gia tăng mật độ các phương tiện giao thông. Những ngày lễ Tết là những ngày mà hiện tượng này đặc biệt đáng được chú ý. Mọi loại tiếng ồn từ động cơ, còi xe, tiếng bước chân, giọng nói… càng trở nên đậm đặc hơn trong suốt cả ngày.
(3). Hoạt động sản xuất thủ công
Phố cổ được hình thành dựa trên phương thức kinh tế-xã hội truyền thống, thể hiện qua việc sử dụng pha trộn giữa không gian đô thị với không gian kiến trúc. Trong mỗi ngôi nhà, đều có một phần không gian dành cho sản xuất và kinh doanh, một không gian khác dành để ở và thờ cúng. Do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, ngay trong một ngôi nhà lại có nhiều hộ gia đình khác nhau hoặc nhiều thế hệ cùng chung sống, cùng có nhu cầu về các diện tích và không gian riêng tư. Vì thế, người ta đã tạo một lối đi chung chạy dọc suốt chiều dài ngôi nhà, làm biến đổi cấu trúc truyền thống của ngôi nhà. Diện tích dành cho sản xuất thủ công bị bó hẹp, vỉa hè trở thành nơi sản xuất.
Phố cổ Hà Nội vẫn gìn giữ được các nghề thủ công truyền thống. Chính vì vậy, bây giờ có rất nhiều phố vẫn còn duy trì các hoạt động sản xuất thủ công. Các mặt hàng được sản xuất trực tiếp và bán tại chỗ cùng với nơi ở. Người ta sản xuất các sản phẩm theo phương pháp thủ công, gây ra nhiều tiếng ồn như: Tiếng búa gõ, khoan cắt nhôm, rèn sắt… Các loại tiếng ồn này đều xuất hiện trong phố từ sáng đến tối và chúng ảnh hưởng lớn tới môi trường không gian chung.
Mức âm trong phố tại KPC Hà Nội
Mức âm trong đô thị Hà Nội là một tổ hợp các mức âm thể hiện đa dạng nguồn âm phát ra từ: Con người, hoạt động đô thị và đặc biệt là âm thanh từ các phương tiện giao thông. Sự đa dạng phương tiện giao thông với sự tắc nghẽn giao thông xảy ra thường xuyên gây nên mức ồn trong đô thị thực sự là nguồn ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng.
(1). Mức âm trong phố tại KPC Hà Nội [4]
Qua hình ảnh của phổ âm trong KPC Hà Nội (đại diện đặc trưng cho môi trường âm thanh trong đô thị) để thấy rằng mức ồn tại đây khá ầm ĩ và liên tục (ảnh hưởng ở tần số từ 20Hz – 5kHz với mức âm từ 60-80dB). Điều này gây ra cho sự nghe của con người luôn ở trạng thái căng thẳng. Mức âm trên 80dB là mức âm từ tiếng còi xe ô tô, xe máy.
Bên cạnh đó khi phổ âm thể hiện trên phố có các hoạt động sản xuất thì mức âm trên 80dB cũng xuất hiện ở tần số 125KHz do các âm thanh sinh ra từ công cụ sản xuất như: Tiếng búa, tiếng máy khoan, tiếng máy mài,…
(2). Mức âm trong ngõ của nhà ống tại KPC Hà Nội [5]
Phố cổ Hà Nội có hình thái đô thị khá đặc biệt với những ngõ nhỏ chạy dọc sâu vào trong mỗi nhà. Dưới góc độ chức năng, ngõ này là lối vào duy nhất để có thể từ ngoài phố vào trong nhà. Sân trong và các khoảng trống lấy sáng được sử dụng là những không gian chung trong mỗi ngôi nhà. Tuy nhiên, vì diện tích sân đã bị giảm thiểu để đáp ứng các nhu cầu khác của con người, nên các ngõ này cũng trở thành một không gian đa dạng trong ngôi nhà: Đường giao thông và cũng là nơi sinh hoạt công cộng cho đời sống hàng ngày.
Dưới góc độ hình thái học, ngõ này là một phần thuộc ngôi nhà được mở rộng theo chiều dọc ngôi nhà, từ phố vào tận cuối thửa đất. Chiều rộng của ngõ phụ thuộc vào chiều rộng ngôi nhà. Thông thường, chiều rộng của ngõ từ 0,7m đến 1,0 m. Hiếm khi có ngõ nào rộng hơn 1,2 m. Chiều cao của ngõ cũng rất thấp, khoảng 2m. Người ta sử dụng không gian phía trên ngõ để xếp đồ gỗ hoặc để ở. Đây thường là cách được dùng để huy động thêm diện tích ở trong phố cổ. Chính vì hình thái của ngõ nhỏ và sâu như vậy mà môi trường âm thanh trong các ngõ có sự thay đổi khá đặc biệt. Sự giảm mức âm từ ngoài hè phố (cửa ngõ) tới cuối ngõ là rất lớn (với mức chênh lệch từ 20-30dB). Âm thanh cuối ngõ yên tĩnh trong khi ngoài đường ồn ào, ầm ĩ cùng một thời điểm.
Giải pháp sử dụng tường chắn âm trên đường tại một số nước [6]
Trên thế giới, các nước đã sử dụng nhiều giải pháp làm giảm tiếng ồn từ hoạt động giao thông như: Tường chắn âm bằng bê tông, gỗ, kính, nhôm,… và xây dựng tuyến đê bằng đất. Các giải pháp này giảm thiểu mức ồn tối đa để đảm bảo sự tiện nghi cho các khu ở dọc hai bên đường giao thông, vừa giảm mức ồn, đồng thời cũng sử dụng như là một hình thức trang trí, tạo dựng kiến trúc cảnh quan trên đường.
Người ta có thể sử dụng giải pháp xây tuyến đê bằng đất có trồng cỏ để chắn âm và hút âm qua bề mặt đê như tại Mátxcơva. Giải pháp này có khả năng ngăn mức ồn khá tốt. Tuy nhiên diện tích xây dựng lớn và không tạo được hài hòa về cảnh quan đô thị.
Tại Nhật Bản, người ta sử dụng tường chắn âm bằng kính để tăng tầm nhìn, tạo không gian và sự nhẹ nhàng trong đô thị.
Các tường chắn âm cũng được sử dụng với tính thẩm mỹ cao, sử dụng vật liệu kính màu hay các loại vật liệu có khả năng hút âm tốt và được thay đổi màu sắc để tăng thị giác sinh động và nâng cao được thẩm mỹ trong đô thị.
Kết luận
Môi trường âm thanh đa dạng mang đến nhiều hương vị của cuộc sống nhưng cũng mang tới những ảnh hưởng tiêu cực nhất định. Đặc biệt tiếng ồn trong đô thị phát sinh từ các hoạt động giao thông hay hoạt động đô thị, là những nguồn ô nhiễm gây nên sự khó chịu cho môi trường sống, nhất là đối với con người. Giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn bằng nhiều giải pháp: Hạn chế sử dụng còi xe, hạn chế xe phân khối lớn trong đô thị, tạo nhiều không gian trống, trồng nhiều cây xanh,… trong đó sử dụng tường (tấm) chắn âm bên đường là giải pháp phổ biến và mang đến hiệu quả tích cực tại các nước trên thế giới. Tìm hiểu phương thức lan truyền âm thanh, tiếp cận thực tế mức ồn trong đô thị và nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trong việc sử dụng tường chắn âm làm cơ sở để thực hiện là một trong các giải pháp giảm thiểu tiếng ồn ở Việt Nam là hết sức cần thiết. Điều này mang đến môi trường sống tiện nghi hơn và đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai tại các đô thị Việt Nam.
PGS.TS.KTS Nguyễn Tuấn Anh
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 06-2019